Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Người công giáo với người nghèo

 NGƯỜI KI TÔ HỮU VỚI NGƯỜI NGHÈO KHÓ – SUY NGHĨ TỪ GIỚI RĂN CHÚA

          Cuộc sống ấm no, hạnh phúc có lẽ là mơ ước của tất cả mọi người sống trên trái đất này. Với các nhà lãnh đạo, mang lại sự ấm no cho người dân của đất nước  cũng chính là một trong những mục đích hàng đầu, mục đích cao cả, trách nhiệm lớn lao trong sự nghiệp của mình.
          Tuy nhiên, trong cuộc sống, phạm trù giàu – nghèo luôn song song tồn tại. Sự ấm no, đầy đủ về vật chất, tinh thần là mục đích vươn tới nhưng không phải ai ai cũng đạt được. Nạn nghèo đói là một thực trạng xã hội không thể phủ nhận, ngay cả ở những nước có nền kinh tế phát triển nhất. Cái nghèo đến với ai đó có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng có lẽ chủ yếu là khách quan đem lại như hậu quả chiến tranh, thiên tai địch họa, tật bệnh bẩm sinh, rủi ro, tai nạn. Sự phấn đấu, cố gắng vượt qua đói nghèo trong nhiều trường hợp hầu như là bất khả kháng mà phải dựa vào sự giúp đỡ của nhà nước và cộng đồng xã hội. Sự giúp đỡ, quan tâm đến người nghèo thể hiện chính sách ưu việt của một thể chế chính trị cũng như  đạo lý ứng xử của con người đối với con người.
          Là người Kitô hữu, noi gương thánh đức của Đấng Kitô con Thiên Chúa và thực hiện giới răn Chúa, chúng ta hãy cùng nhau dành đôi chút thời gian chiêm nghiệm, suy ngẫm về cuộc đời Đức Giêsu, những lời nói và hành vi của Người đối với những số phận nghèo hèn trong cuộc hành trình cứu độ.
          Trước hết, Đức Giêsu là người đã chọn cho mình một cuộc sống bình dân, thậm chí thiếu thốn trong xã hội của đất nước Do Thái thời đó. Cha làm thợ mộc, mẹ làm nội trợ, vá may - một gia đình lao động thuần túy, không giàu có, không địa vị chính trị. Người ra đời trong hang đá, máng cỏ Be lem, đêm đông lạnh giá giữa những mục đồng nghèo khó và hơi ấm của đàn bò cừu nơi đồng hoang vì gia đình không đủ tiền thuê quán trọ trong làng. Lớn lên trong nhà Narazet, Người cùng cha mẹ mình làm mọi công việc có thể làm để góp phần vào việc xây dựng kinh tế, mưu sinh cho cuộc sống. Như vậy ngay từ đầu, Chúa đã tự nguyện gia nhập làm thành viên của xã hội những người lao động bình thường nhất, sng đồng cảm với hoàn cảnh của họ và chắc chắn trong số họ không thiếu gì người nghèo khó mà Chúa giúp đỡ, chia sẻ. Khi thực hiện sứ mạng cứu độ, Người đã chọn các môn đệ cũng với một tiêu chí đầu tiên là người lao động, ít có điều kiện học hành, không có vị thế chính trị, tiêu biểu là Thánh Phêrô - vị tông đồ đã được Chúa chọn giữ vị trí đứng đầu Giáo hội sau này. Trên thực tế, cuộc hành trình của Thầy trò Đức Giêsu trong cuộc rao giảng Tin Mừng từ điểm xuất phát cho đến khi hoàn thành công việc cứu độ là sự đồng hành cùng những người bình thường, những số phận nghèo đói, bệnh tật, lầm than khổ cực, thiếu thốn tình thương, thậm chí những con người đang sa ngã trong vòng tội lỗi. Thật vậy, Kinh Thánh đã liệt kê vô vàn các trường hợp Chúa chữa lành bệnh tật: cho người điếc được nghe, người mù được thấy, người bại liệt đứng dậy đi được, người chết sống lại...Họ đều là những người nghèo khổ, không nơi nương tựa, không đồng tiền giắt lưng, bị xã hội , nhất là giới thượng lưu giàu có khinh rẻ, miệt thị, xua đuổi. Người làm vậy đồng thời cũng giáo huấn các tông đồ phải làm theo, phải thực thi khi Người rời thế gian chính là để thực hiện giới răn của Chúa dạy, đó là phải yêu thương mọi người, yêu thương đồng loại như chính bản thân mình. Câu chuyện “Điều răn đứng hàng đầu” mà Thánh sử Maccô thuật lại đã cho chúng ta thấu hiểu điều đó. Chuyện rằng: Khi ấy có một người trong nhóm kinh sư đã hỏi Chúa Giêsu:” Trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu?”. Chúa trả lời:” Điều răn đứng hàng đầu là: Nghe đây, hỡi It-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Người phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính bản thân mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó” (Mc 29-31). Như vậy, Đức Giêsu đã tóm lược và khẳng định mối quan hệ máu thịt, quan hệ mật thiết, phương thức ứng xử giữa Con người với Thiên Chúa và Con người với Con người: Hành động tôn kính Thiên Chúa phải song hành với yêu thương đồng loại. Đó là một cặp phạm trù không thể tách rời nhau trong cuộc sống Đạo của người Ki tô hữu; thiếu một trong hai nội dung đó nghĩa là chúng ta chưa thực hiện trọn vẹn giới răn Chúa. Tuy nhiên, để biến nhận thức giới răn thành hành động thực tế đâu phải là chuyện dễ dàng. Thói thường, người theo đạo thực hiện điều răn thứ nhất có vẻ dễ hơn bởi chỉ cần thờ kính Chúa sốt sắng bằng việc đọc kinh cầu nguyện hàng ngày, giữ mình trong sạch, hiếu kính cha mẹ, không ham mê các tật xấu...Còn điều răn thứ hai xem ra khó khăn hơn nhiều. Của cải thế gian: nhà cửa, tiền bạc, danh vọng, vợ con gia đình... luôn gắn chặt với đời sống con người khiến ta phải đắn đo, cân nhắc,suy đi, nghĩ lại, dụt dè... khi sử dụng nó vào việc chia sẻ khó khăn của người khác, nhất là với người nghèo. Điều này đã đã được thánh Maccô thuật lại trong câu chuyện về cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu và “Người giàu có”. Với sự thành tâm, tôn kính Ngài, anh ta ngỏ lời xin Chúa cho mình biết “phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”. Sau khi biết anh ta là người đã tuân giữ nghiêm túc những điều thuộc nội dung giới răn thứ nhất, Người bảo:” Anh chỉ thiếu có một điều: hãy đi bán những gì anh có và cho người nghèo, và anh sẽ có được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. Nghe lời đó, anh sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh có nhiều của cải” (Mc 17-22). Rõ ràng là việc hy sinh quyền lợi vật chất, tiền bạc, của cải  bản thân để sử dụng vào mục đích giúp đỡ người khác thật khó biết bao! Đấy là chưa kể đến vì lòng tham lam của cải mà một số người thiếu lương tâm còn dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, những hành động dã man, vô liêm sỉ, vô đạo đức để chiếm đoạt của cải, tiền bạc, quyền lợi hưởng thụ chính đáng của người nghèo cho vào túi riêng của mình như xã hội từng biết, từng lên án mạnh mẽ.
          Tiếp câu chuyện về “Người giàu có”, Chúa Giêsu còn nhấn mạnh thêm khi nói với các môn đệ đi cùng :”...Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”.Tuy nhiên, khi thấy các môn đệ sửng sốt nói với nhau:”Thế thì ai có thể được cứu?”, Người nhìn thẳng vào các ông và nói:” Đối với loài người thì không thể được, nhưng với Thiên Chúa thì không phải thế, vì mọi sự đều có thể được với Thiên Chúa” (Mc 24-27). Như vậy, điều huấn dụ của Chúa qua cách so sánh về hình ảnh “người giàu vào Nước Trời cũng khó như con lạc đà chui qua lỗ kim” trong trường hợp này là để nhấn mạnh một điều: con người không bắt buộc phải từ bỏ mục đích làm giàu của mình một cách chính đáng nhưng phải biết sử dụng của cải đó sao cho hợp với giới răn thứ hai của Chúa “thương người như thể thương thân”, dám chia sẻ sự sung túc của bản thân cho những người thiếu thốn, đói nghèo. Làm được như vậy chính là ta đã thu lại được một “kho lẫm của cải” không chỉ là Nước Trời sau này mà ngay khi ở dương thế, con người cũng luôn được sở hữu một gia tài tinh thần vô giá: đó là tình yêu thương, nhân ái, nhân văn của đồng loại. Bởi vì, nếu chẳng may ta phải rơi vào số phận nghèo khó, liệu ta có mong mỏi sự giúp đỡ, cưu mang của mọi người xung quanh hay không? Hẳn là có. Kinh Thánh chẳng đã từng dạy rằng: Mình hãy làm những điều mình mong muốn cho người khác và không làm những điều mình không mong muốn đối với họ đó sao!
          Nghe, đọc lời Chúa, chiêm ngắm cuộc đời và sự nghiệp cứu độ của Người, mỗi người Kitô hữu chúng ta càng thấm thía sâu hơn tình thương yêu của Thiên Chúa với nhân loại nói chung và những số phận nghèo đói nói riêng. Đức tin vào Thiên Chúa là điều đương nhiên, nhưng thực hiện sống theo Đức tin, sống Đạo giữa đời thường, biết vui buồn, chia sẻ tinh thần, vật chất với mọi người xung quanh, nhất là với người nghèo khó là điều cần phải làm với tinh thần nhiệt tâm, sốt sắng, vì như Chúa đã dạy: giúp đỡ người khó nghèo chính là giúp Chúa và thắt chặt sợi dây tình yêu với Người.
          Dân tộc Việt Nam ta vốn có tinh thần đoàn kết, gắn bó, giàu lòng nhân ái, bao dung thể hiện qua truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”...Chính vì vậy mà từ xưa đến nay, trải qua các cuộc thăng trầm của lịch sử, chúng ta vẫn trụ vững và đi lên. Mỗi khi ở đâu có thiên tai, lụt lội, ở đâu có những con người gặp số phận rủi ro, bệnh tật...chỉ cần có thông tin và lời mời gọi của những cơ quan, tổ chức nhân đạo, từ thiện, tổ chức xã hội là nhân dân cả nước đều hướng về với sự đồng cảm và sự giúp đỡ, ủng hộ nhiệt thành. Hầu như tổ chức xã hội nào hiện nay cũng đều thành lập “Quỹ vì người nghèo” để góp phần chia sẻ với những địa phương, cá nhân gặp khó khăn. Ngày 17/10 vưa qua, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức lễ phát động “Tháng cao điểm vì người nghèo năm 2012” (từ 17/10 đế 18/11) với sự tham gia của đại biểu nhiều cơ quan TW và Hà Nội. Theo các Báo cáo, mặc dù mấy năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo đã được chú trọng, triển khai đồng bộ với sự tham gia tích cực của các cấp Đảng, Chính quyền từ TW tới Địa phương, các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước, song tỷ lệ hộ đói nghèo của nước ta vẫn còn cao, đặc biệt ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng dân tộc ít người, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các ngành, các cấp, các thành phần trong cả nước. Là những người công giáo kính chúa, yêu nước, yêu hòa bình và đồng loại, chúng ta hãy hăng hái, nhiệt tâm với phong trào này với tinh thần thực hiện lời Chúa : Hãy yêu người như mình ta vậy./.

                                                                              Nguyễn Công Hoan


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét