Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Mùa xuân Đất Tổ

Mùa xuân về với cội nguồn.

                                                                                          Nguyễn Công Hoan

          Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết Nguyên Đán, bạn bè cùng khoá học cấp III chúng tôi, dù công tác ở đâu, đều hẹn nhau ngày về dâng hương kính viếng Tổ Tiên và tham quan Khu di tích lịch sử văn hoá Đền Hùng.
 Phải gần tháng nữa mới đến ngày chính Hội (10/3 Âm lịch) nhưng trên các nẻo đường dẫn vào Khu di tích đã nườm nượp người và xe cộ. Trên đoạn đường đi bộ từ bãi đỗ xe vào khu vực Đền, chúng tôi thấy ai ai cũng háo hức, nói cười vui vẻ. Không chỉ nam thanh nữ tú mà rất nhiều cụ ông, cụ bà cao niên – các bậc “xưa nay hiếm – vẫn rảo bước nhanh nhẹn như lúc tuổi còn đang xuân. Thật vậy, từ bao đời nay, trong tâm thức của ngươì dân đất Việt, dù ở quê hương hay xa Tổ quốc, cứ vào dịp đầu Xuân lại hướng về quê Cha, đất Tổ với niềm thương nhớ, tự hào.

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Câu ca dao quen thuộc đó như lời nhắn nhủ thân thương với ai đã sinh ra từ bọc trăm trứng, nặng nghĩa đồng bào, nhắc mọi người, mọi thế hệ nhớ tới cội nguồn thuở trước. Thi sĩ Tản Đà đã viết một câu đối rất hay được trưng bày tại Đền Hùng, gói trọn ý nghĩa về một khối đoàn kết giống nòi xuyên suốt từ quá khứ, hiện tại đến tương lai:
 “Có tổ có tôn, có tôn có tổ, tôn tổ tổ tôn, tôn tổ cũ
Còn non còn nước, còn nước còn non, nước non non nước , nước non nhà ‘’
          Mặc dù xuân nào cũng hành hương về Đất Tổ, song mỗi lần đến đây, lòng tôi vẫn dội lên một niềm xao xuyến, bâng khuâng khi được đắm mình trong một khung cảnh thiên nhiên kỳ ảo với đền đài ẩn hiện  giũa rừng cây nguyên sinh ẩm mùi thời gian, những dải mây trắng như chiếc khăn lụa mềm mại, tinh khiết vắt ngang đỉnh núi. Tâm hồn tôi mơ màng trong mùi hương trầm và tưởng nghe đâu đó văng vẳng tiếng chày giã gạo của các cô gái vùng đất Châu Phong ở xóm núi Thậm Thình mà nhà thơ đương đại Nguyễn Bùi Vợi đã từng mô tả :
Trăm cô gái tựa tiên sa
Múa chầy đôi với chầy ba rập rình
Đêm đêm tiếng thậm, tiếng thình
Cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non
Và xa xa vọng lại là âm thanh những làn  điệu dân ca Xoan, Ghẹo đang ngân lên dập dìu, đằm thắm, mượt mà giữa sáng Xuân cuả một vùng quê đầy huyền thoại. Truyền thuyết kể rằng : Một lần, vợ Vua sinh con, trong lúc chuyển dạ đau đớn, có một người hầu mách với nhà Vua nên đón một người con gái đẹp tên là Quế Hoa về múa hát bên giường thì may chăng  mới sinh dễ dàng được. Vua y lời, sai người đi đón. Quế Hoa ở trong một làng tre xanh gần thành Phong Châu vâng theo lời triệu đến chầu vợ Vua, đứng bên giường múa hát. Nàng đẹp lắm: môi đỏ, mắt đen, tóc dài, da trắng, giọng hát trong vắt khi trầm khi bổng như chim ca, suối chảy, tay uốn chân đưa, người mềm như tơ, chân dẻo như bún, ai cũng phải mê. Vợ Vua Hùng mải xem múa hát không thấy đau nữa liền sinh được ba người con trai khôi ngô, tuấn tú. Vua hết sức vui mừng và khen ngợi Quế Hoa, liền truyền cho các mị nương học lấy các điệu múa hát ấy. Vì lúc nàng Quế Hoa hát chầu vợ vua là mùa xuân nên các mị nương gọi hát ấy là hát Xuân (hay hát Xoan). Làn điệu dân ca ấy truyền từ đời nọ đến đời kia và hôm nay đã chính thức được UNESCO công nhận và vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp.
          Theo từng bậc đá bóng màu thời gian, chúng tôi bước lên Đền Hạ. Những cây hoa đại cổ thụ – loài cây tượng trưng cho sự thanh khiết, bao dung của cửa Phật - toả bóng rợp kín cả một khoảng sân rộng cùng với cây vạn tuế đứng trước Đền như một nhân chứng lịch sử uy nghi và sinh động biết nhường nào. Tục truyền chính tại nơi đây, Mẹ Âu Cơ sau khi mang thai ba năm đã sinh ra một bọc trăm trứng, sau nở ra 100 người con trai khôi ngô tuấn tú. Sau đó, Cha Lạc Long Quân đem 50 người con xuôi về phía biển mở mang bờ cõi ; Mẹ Âu Cơ đem 49 người con lên rừng làm nương, trồng lúa, dệt vải, chỉ để lại người con cả coi sóc giang sơn - đó là Vua Hùng thứ nhất. ‘’ Huyền thoại Mẹ Âu Cơ ‘’ – câu chuyện đầy tính nhân văn ấy đã được tái dựng lại trong Chương trình khai mạc ‘’Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam ’’ do Tỉnh Phú Thọ tổ chức tại Đền Mẫu Âu Cơ  (huyện Hạ Hoà) đã mang niềm xúc động sâu sắc đến với hàng triệu người chúng ta.
Lên Đền Trung – ngôi Đền tuy nhỏ bé, khiêm tốn ẩn mình dưới những tán cây đại thụ sừng sững, uy nghiêm – song chính đây lại là ‘’ Đại bản doanh’’ thời mở nước, là nơi Vua tôi thường tụ họp, luận bàn việc trị quốc, an dân. Đứng đây, trong tiếng gió rì rào của ngàn cây lá như vọng về lời kể của cha ông về Hội nghị Diên Hồng, Hội nghị Bình Than (thời Trần) và lời thơ bất hủ  của thi hào Nguyễn Trãi trong ‘’Bài cáo bình Ngô ‘’ sau mười năm trường kỳ kháng chiến chống giặc Minh : ‘’...Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào ‘’. Đoàn kết, chung sức chung lòng từ người đứng đầu đất nước đến người dân, người lính, đó chính là bài học quý báu để dành chiến thắng trong bất kỳ hoàn cảnh nào đã được cha ông chúng ta để lại từ bao đời nay mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đúc kết thành chân lý ‘’ Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công’’.       
            Tới đỉnh Nghĩa Lĩnh, thắp nén hương thơm tại Điện Kính Thiên – nơi các Vua Hùng lập đàn thờ cúng tế Trời Đất, cầu mong cho nước thịnh, dân an – lòng ta lại bồi hồi xao xuyến nghĩ về thuở lập nghiệp của Tổ tiên. Chính nơi này đây, vó ngựa nhà Vua đã dừng lại sau bao ngày tìm kiếm một vùng đất để xây dựng kinh đô đầu tiên của đất Việt. Truyền thuyết kể rằng: ‘’Vua Hùng đi nhiều nơi để chọn đất đóng đô mà chưa vừa ý. Một ngày kia, Người đi tới một vùng, trước mặt có ba sông tụ hội, hai bên có Tản Viên, Tam Đảo chầu về,  đồi núi gần xa,  đồng ruộng tươi tốt, dân cư đông vui. Lại giữa vùng đồi, một ngọn núi vượt cao hẳn lên như đầu một con rồng, còn những dãy kia như khúc rồng uốn lượn. Vua cả mừng thấy núi non kỳ tú, đất rộng, sông sâu, cây cỏ tuơi tốt, có thế hiểm để giữ, có thế để mở, có chỗ cho muôn dân tụ hội, liền chọn nơi này làm đất đóng đô. Đó là Kinh đô Văn Lang thời mở nuớc’’. Bài học về ‘’chọn đất đóng đô ’’ của vị vua đầu tiên ấy đã được vận dụng khá nhiều trong lịch sử dân tộc sau này mà điển hình nhất là việc dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long năm 1010 của Lý Công Uẩn – vị vua anh minh mở đầu triều Lý - mà  năm 2010 chúng ta đã long trọng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Lần bước xuống vài chục bậc đá, chúng ta thành kính thắp nén hương trầm trước ngôi Mộ Tổ, tượng trưng cho anh linh của 18 đời vua Hùng dựng nước, lòng  rưng rưng nhớ lại những lời dạy của cha ông từ ngàn xưa ‘’Uống nước nhớ nguồn’’,’’Ăn quả nhớ người trồng cây’’, ‘’Cây có cội, nước có nguồn”, “ Công Cha như núi Thái sơn, Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”…
Những bậc đá nối tiếp đưa ta xuống với Đền Giếng. Ẩn chứa trong ngôi đền rêu phong cổ kính này là những thiên tình sử đẹp đẽ và thơ mộng của hai nàng công chúa kiều diễm của vua Hùng thứ 18: Tiên Dung và Ngọc Hoa. Ngọc Hoa công chúa đã kén Sơn Tinh – Thần núi Tản Viên làm chồng sau cuộc đọ sức đua tài với Thuỷ Tinh, cuộc so tài trên một đấu trường có một không hai trong sử sách. Đúng là mối tình của “anh hùng sánh với thuyền quyên”. Còn công chúa Tiên Dung, nàng lại không hề so đo thân phận với người mình yêu. Chàng chọn Chử Đồng Tử, một chàng trai làm nghề chài lưới ven sông Hồng tuy nghèo khó nhưng có một trái tim nhân hậu và lòng hiếu kính với cha mẹ tuyệt vời. Họ đã đến với nhau bằng tiếng gọi của trái tim mà không hề mặc cảm hay đắn đo do dự. Một thiên tình sử cũng thật là hiếm hoi trong vô vàn những mối tình mà người đời thường ca ngợi. Đây cũng chính là một nét đẹp văn hoá truyền thống mà chúng ta được thừa hưởng và phát huy trong đời sống hôn nhân gia đình, trong việc thực hiện bình đẳng giới ngày nay vậy. Cũng tại sân Đền Giếng lịch sử này, ngày 19-9-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã gặp gỡ và căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản thủ đô. Người noi " Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Lời căn dặn cũng là lời hứa quyết tâm ấy của vị đứng đầu đất nước, dân tộc đã được thực hiện vào mùa xuân 1975 khi kẻ thù đã bị quét sạch  khỏi bờ cõi, giang san thống nhất, quy về một mối vẹn toàn.
         
Mùa Xuân về với cội nguồn, thắp nén hương thơm trước anh linh TiênTổ, mỗi người  chúng tôi như thấy mình trong sáng, thánh thiện hơn, gần gũi, gắn bó với nhau hơn. Tạm biệt vùng đất thiêng để về với công việc lao động thường ngày, song trong mỗi chúng tôi đều chung một  điều tâm niệm: Công lao, âm đức của Cha Ông để lại sẽ mãi mãi như liều thuốc quý có thể chữa lành những căn bệnh nan y, làm liền dấu những vết thương quá khứ và làm tăng lên gấp bội sức mạnh của các thế hệ con Lạc cháu Hồng trong công cuộc dựng xây và bảo vệ đất nước thân yêu và vĩ đại hôm nay./.

                                                              Đền Hùng - Đất Tổ, Xuân Quý Tỵ
                                                                                       N.C.H
Nguuyễn Công Hoan (Thư viện tỉnh Phú Thọ)
Đường Trần Phú – Tp Việt Trì - Phú Thọ
ĐT: 0912181469





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét