Làng Nỗ lực với phong trào
"Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá"
Khu dân cư (KDC) Nỗ Lực (tên
thường gọi là Thôn hoặc Làng Nỗ Lực) là 1 trong 7 KDC thuộc địa bàn xã Thuỵ
Vân, Tp. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ nằm trải dọc gần 2 km theo ven bờ tả ngạn sông
Thao. Dải đất này đã từng phải hứng chịu hậu quả của nhiều trận lũ lụt khốc
liệt trong lịch sử (1945,1969,1971,1986). Mùa lũ năm 2002-2003 vừa qua, nếu
không có giải pháp đổ kè đá kịp thời của Chính Phủ thì xã Tân Đức (Ba Vì - Hà
Tây) và làng Nỗ Lực đã không còn tồn tại trước sức phá hoạ ghê gớm của
"thủy thần sông Hồng".
Hiện KDC có 2.976 khẩu, 636 hộ gia
đình, trong đó có tới 575 hộ theo đạo Thiên Chúa, số còn lại hầu hết theo đạo
Phật. Giáo xứ Nỗ Lực đã được thành lập cách đây gần 200 năm. Ngôi nhà thờ chính
xứ hiện nay đã có gần 100 năm tuổi. Dưới chế độ mới, đặc biệt từ khi nước nhà
thống nhất, được sự quan tâm của Đảng, chính quyền các cấp, khu vực nhà thờ đã
được sửa chữa, tu bổ khá khang trang, hàng năm đón nhiều lượt khách khắp nơi
hành hương về dự lễ, tham quan, đặc biệt vào dịp lễ Giáng Sinh 25/12. Ngoài nhà
thờ dành cho bà con theo đạo Thiên Chúa còn có một ngôi chùa, một đền thờ Phật
và các vị anh hùng có công với nước được Tỉnh xếp hạng là Di tích lịch sử văn
hoá. Trải qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử, mặc dù tỷ lệ người Công giáo
và Phật giáo có chênh lệch, nhưng nhân dân làng Nỗ Lực luôn giữ được mối tình
đoàn kết, thân ái, cùng chung xây cuộc sống an bình. Trong 2 cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, con em của làng đã tình nguyện ra chiến
trường giết giặc cứu nước, nhiều người đã anh dũng hy sinh hoặc cống hiến một
phần xương máu của mình cho nền độc lập tự do của dân tộc.
Người dân Nỗ Lực vốn sống chủ yếu
bằng nghề nông. Những năm gần đây, do cơ chế đổi mới, Nỗ Lực phát triển ngành
nghề khá mạnh, đặc biệt là ngành nghề xây dựng. Hiện có 13 doanh nghiệp đang
hoạt động hiệu quả, doanh thu từ 2 đến 8 tỷ đồng/năm. 100% người dân được sử
dụng điện lưới quốc gia; trên 30% số hộ gia đình sử dụng điện thoại cố định
(không kể hàng trăm ĐTDĐ); đầu năm 2006 tiếp tục được Nhà nước đầu tư nước
sạch. Mức thu nhập bình quân đạt gần 400.000 đồng/người/tháng (trên 200
USD/năm).
Mặc dù là vùng công giáo, nhưng Nỗ
Lực đã có 1 Chi bộ Đảng, trong đó có tới gần 1/3 số đảng viên là người công giáo;
một Chi đoàn thanh niên. Các tổ chức chính trị -xã hội, Đoàn thể quần chúng
như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội nông dân, Hội Người cao tuổi hoạt động
hết sức hiệu quả. Đây cũng chính là nòng cốt trong công tác chỉ đạo, tổ chức
các hoạt động xã hội, hướng bà con giáo dân thực hiện đường lối, chủ trương,
chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước với tinh thần "sống tốt đời
đẹp đạo"
Phong trào vận động "Toàn dân
đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở Khu dân cư" và "Toàn dân đoàn kết
xây dựng đời sống văn hoá" là những cuộc vận động mang tính toàn dân, toàn
diện với những nội dung hết sức sát hợp với điều kiện thực tế của mọi vùng, mọi
miền do Trung ương trực tiếp hướng dẫn, tổ chức. Chính vì vậy mà ngay từ khi
được phát động, người dân Nỗ Lực nói chung và đồng bào theo đạo nói riêng đều
hết sức tán thành, ủng hộ, hưởng ứng và thực hiện tốt các cuộc vận động này.
Trong đà vươn lên về kinh tế,
người dân Nỗ Lực đã có một nhận thức đúng đắn rằng: sự giàu, đẹp của mỗi gia
đình phải gắn liền với sự giàu đẹp của toàn thể xã hội, vì vậy mà họ đã tích
cực đóng góp sức mình vào các công việc chung. Rất nhiều trường hợp các gia
đình đã sẵn sàng tạm gác việc xây nhà, sắm sửa trang thiết bị riêng để dành
tiền của, công sức cho các công trình phúc lợi công cộng. Cùng với sự hỗ trợ
của Nhà nước, 100% kênh mương của cánh đồng làng đã được bê tông hoá, đảm bảo
nước tưới tiêu cho 3 vụ lúa và hoa màu. Hệ thống các trục chính của làng đã
được rải bê tông rất thuận lợi cho việc đi lại, tạo cảnh quan môi trường sạch
đẹp. Đặc biệt trong thời gian xây dựng kè đá bảo vệ làng, hàng chục gia đình đã
tự nguyện di dời nhà cửa, cây cối, hoa màu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi công công trình nhanh,
đảm bảo chất lượng.
Qua công tác tuyên truyền hướng
dẫn của Chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, nhận thức về tác dụng của văn hoá
trong đời sống cộng đồng của bà con giáo dân được nâng cao. Những mặc cảm giữa
đạo và đời dần được xoá bỏ; sự gắn kết cuả văn hoá xã hội với tôn giáo tín
ngưỡng ngày càng bền chặt hơn. Trong các ngày lễ lớn của dân tộc, của tôn giáo,
các hoạt động văn nghệ thể dục thể thao được tổ chức sôi nổi ngay tại quảng
trường nhà xứ với sự tham gia nhiệt tình của bà con giáo, lương. Đội kèn đồng,
ca đoàn nhà xứ vừa làm nhiệm vụ phụng sự tại nhà thờ, vừa sẵn sàng phục vụ các
ngày kỷ niệm lớn của đất nước, quê hương. “Dạ hội Nô en” hàng năm cũng là dịp
để các đội văn nghệ, ca đoàn các giáo họ trong xứ gặp mặt, giao lưu và phục vụ
bà con giáo dân và khách hành hương, tham quan, dự lễ. Đây là một điểm mới mẻ
thể hiện ý nghĩa của tinh thần "Sống tôn giáo trong lòng dân tộc".
Hoạt động của Ban hành giáo, Hội Phật giáo của KDC đã được mở rộng, đa dạng,
phong phú ; sự kết hợp với chính quyền, đoàn thể trong xây dựng đời sống văn
hoá, tín ngưỡng ngày càng tiến triển hơn. Nhờ đó mà các tệ nạn xã hội như trộm
cắp, ma tuý, mại dâm, vi phạm luật hôn nhân gia đình... ở KDC hầu như không có
hoặc chỉ ở mức rất thấp. Tỷ lệ người sinh con thứ 3 đã giảm hẳn. KDC Nỗ Lực
cũng đã đăng ký với thành phố và tỉnh xây dựng các tiêu chuẩn của làng văn hóa
từ năm 2000. Cuối năm 2004 vừa qua, chính quyền các cấp đã cho phép KDC xây
dựng một Trung tâm hoạt động văn hoá. Công trình Nhà văn hoá KDC được khởi công
từ ngày 20/12/2004, dự định xây 2 tầng, hiện đã đổ mái tầng 1 với diện tích sử
dụng 130m2. Khi hoàn thiện, dự kiến tầng I sẽ có một phòng sơ cấp
cứu y tế ban đầu và một thư viện; tầng II là Hội trường giành cho các cuộc hội
họp nhân dân, các lớp tập huấn chuyên môn, lớp học tập cộng đồng. Ngoài ra sẽ
xây dựng một sân thể thao với diện tích khoảng 200m2 (sân bóng chuyền, cầu
lông, cờ tướng, thể dục dưỡng sinh), ước tính công trình khoảng 180 triệu đồng.
Đây là một thiết chế văn hoá được bà con hết sức tán thành, ủng hộ. Ngoài kinh
phí hỗ trợ của nhà nước (10 triệu đồng), số còn lại sẽ đề nghị xã giúp đỡ và
vận động các nhà doanh nghiệp, cán bộ công chức và toàn thể bà con đóng góp,
ủng hộ.
Nếu như 10-15 năm trước đây, người
dân có đạo coi thường việc học văn hoá do sự mặc cảm tín ngưỡng thì những năm
gần đây nhận thức của bà con đã thay đổi hẳn. Hiện tại 100% trẻ em trong độ
tuổi đã được cắp sách tới trường; rất nhiều em đã thi đỗ và theo học các trường
Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, phục vụ trong các cơ quan Nhà nước.
Trên địa bàn của KDC đã có 1 Trường tiểu học cao tầng khang trang, 02 Trường
Mẫu giáo-Mầm non. Năm học 2004-2005, toàn giáo xứ (bao gồm giáo họ Nỗ Lực và 8
giáo họ bạn trong xứ) đã có 257 em đạt thành tích cao về học tập, tu dưỡng đạo
đức, trong đó có: 1 sinh viên tốt nghiệp Đại học, 3 em trúng tuyển Đại học, 12
học sinh giỏi cấp tỉnh, 58 học sinh giỏi cấp huyện và 183 học sinh giỏi cấp
huyện, thành phố. Để động viên kịp thời thành tích của các em, vào dịp chuẩn bị
khai giảng năm học 2005-2006, Linh mục Chánh xứ Nguyễn Văn Đỉnh và Hội đồng
Giáo xứ đã long trọng tổ chức lễ trao thưởng cho 257 em trước sự chứng kiến và
cổ vũ của các bậc phụ huynh và hàng ngàn bà con giáo dân trong ngày lễ chủ
nhật.
Công tác vận động phong trào "Đền ơn đáp
nghĩa", giúp đỡ người nghèo luôn
được quán triệt sâu sắc trong toàn thể nhân dân, nó cũng rất phù hợp với giáo
lý tín ngưỡng Công giáo và Phật giáo nên được cộng đồng nhiệt tình hưởng ứng.
Vừa qua, với sự ủng hộ của chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, quyên
góp của bà con lương giáo cộng với đóng góp riêng của gia đình, khu dân cư Nỗ Lực
đã tổ chức xây dựng được một ngôi nhà tình nghĩa cho bà Vũ Thị Sen, vợ liệt sỹ
Bùi Văn Đính đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước với tổng giá
trị 22 triệu đồng. Trong đợt vận động ủng hộ các nạn nhân sóng thần vùng Đông
Nam á, sau khi linh mục chánh xứ phát động phong trào, chỉ trong 2 buổi lễ tại nhà thờ, bà con đã ủng hộ
1 triệu đồng để góp vào kinh phí chung của địa phương. Hàng năm vào dịp kỷ niệm
ngày thương binh liệt sỹ, ban lãnh đạo địa phương, ban hành giáo, phật giáo và
các tổ chức đoàn thể đều tới thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các gia đình có
công với cách mạng. Các cuộc vận động ủng hộ người nghèo, các cuộc gặp mặt,
trao quà cho con em nghèo vượt khó học giỏi thường xuyên được tổ chức, nhất là
vào các dịp lễ lớn trong năm...
Về Nỗ Lực trong những ngày này,
mỗi khách thăm chắc chắn sẽ nhận ra những bước đổi thay vượt bậc của một vùng
giáo trên quê hương Đất Tổ Vua Hùng./.
Nguyễn Công Hoan
(Giám
đốc Thư viện tỉnh
Phú Thọ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét