Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

HỘI THÁNH GIUSE NỖ LỰC MỪNG LỄ QUAN THÀY BỔN MẠNG

          Tối ngày 1/5/2014, tại nhà thờ Giáo xứ Nỗ Lực, Thánh lễ mừng quan thày bổn mạng của Hội Thánh Giuse Giáo họ Nỗ Lực do Cha Giuse Nguyễn Văn Trường (Quản xứ Yên Mỹ - Giáo phận Bắc Ninh) làm chủ tế đã được cử hành trọng thể trong sự sùng kính, sốt sắng và niềm hân hoan của gần 300 hội viên và cộng đoàn dân Chúa.
          Sau chương trình  dâng hoa khai mạc tháng kính Đức Mẹ, từ hội trường nhà xứ, trong tiếng nhạc rộn rã của dàn kèn đồng và ánh sáng nến lung linh, toàn thể hội viên xếp hàng đôi, cất vang lời hát ca ngợi Thánh Giuse, long trọng rước Thánh giá và Đoàn chủ tế ra nhà thờ hiệp dâng Thánh lễ.
          Chia sẻ trong bài giảng lễ, cha Giuse đã phân tích sâu sắc ý nghĩa của ngày 1/5 đối với Giáo hội hoàn vũ, Giáo hội Việt Nam và cộng đồng xã hội, đặc biệt với vai trò của Thánh Giuse - người công nhân, người lao động chân chính; người chồng, người cha mẫu mực của gia đình; một mẫu gương tuyệt vời cho các thế hệ học tập, noi theo. Kinh thánh  tuy nói ít về Thánh Giuse nhưng chỉ cần một lời khẳng định “ông là một người công chính” (Mt.1,19) đã đủ nêu lên phẩm chất cao quý của Ngài. Bài học về cuộc đời Thánh Cả Giuse trong gia đình Nazaret thuở ấy luôn luôn là sự kiểm nghiệm, đối sánh của những người lao động, nhất là với vị trí “người chủ gia đình” trong điều kiện xã hội hiện nay.
          Cha chủ tế cũng rất vui mừng khi được biết Hội Thánh Giuse Nỗ Lực đã có một bề dày hoạt động gần một phần tư thế kỷ qua. Được thành lập từ ngày 1/5/1990 với số thành viên ban đầu chỉ có 22 người, đến nay đã phát triển lên tới 286 hội viên. Từ 1993, Hội xây dựng Điều lệ riêng (gồm 4 chương, 10 điều, 1 Phụ lục) làm cơ sở cho hoạt động của mình và được sửa đổi, bổ sung qua các kỳ Đại hội (5 năm/lần và các Hội nghị thường niên hàng năm) để phù hợp với điều kiện thực tế. Với tinh thần noi theo mẫu gương Thánh Giuse và Thánh Gia thất, 24 năm qua, Hội đã có nhiều đóng góp cho Giáo xứ, Giáo họ trong đời sống Đức tin, rao giảng Tin Mừng của Chúa, đặc biệt góp phần quan trọng vào việc dựng xây những công trình lớn như Núi đá Đức Mẹ, Quảng trường, Nhà mục vụ, Vườn Thánh, Nhà thờ, Nhà nguyện, Nhà trẻ, Nhà học Giáo lý, Tượng đài, Cổng Nhà xứ, Cổng làng...Ngoài ra, hàng năm, Hội đã dành một khoản kinh phí đáng kể cho công tác Bác ái: thăm hỏi, động viên, giúp đỡ những gia đình, cá nhân gặp hoàn cảnh  khó khăn như ốm đau, tàn tật, cô đơn không nơi nương tựa, bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện...Hàng năm, Hội tổ chức cho hội viên đi hành hương, thăm quan, nghỉ mát, giao lưu, học tập các Hội bạn trong và ngoài Giáo phận vào các kỳ nghỉ Lễ hoặc Năm Thánh. Trong Hội nghị tổng kết chiều nay, toàn thể hội viên đã thông qua Nghị quyết sẽ đóng góp công sức xây dựng một công trình trọn vẹn (trị giá từ 300 đến 500 triệu đồng do Cha quản Xứ, Ban hành giáo Giáo họ chỉ đạo) thiết thực chào mừng kỷ niệm 25 năm thành lập Hội (1/5/1990 – 1/5/2015).
          Thánh lễ mừng Quan thày bổn mạng của Hội đã kết thúc trong bầu khí vui tươi và niềm tin cậy mãnh liệt của mọi người vào hồng ân Chúa Ki tô, sự bầu cử, nâng đỡ, của Thánh Cả Giuse và Mẹ Maria. Sau lễ, toàn thể cộng đoàn đã cùng nhau tới dâng hương, hoa kính viếng Tượng đài Thánh Giuse tại quảng trường Nhà Xứ.
          Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, Hội đã tổ chức một chương trình thể thao phong phú, bao gồm 4 môn: bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng, bóng bàn. Hàng trăm giáo dân đã tới động viên, cổ vũ các vận động viên khiến không khí ngày hội càng thêm sôi nổi. Buổi chiều, trong Hội nghị tổng kết, Cha Quản xứ Giuse Nguyễn Viết Hiệp, Cha Giuse Nguyễn Văn Trường và Lãnh đạo Hội đã long trọng trao cờ và giải thưởng cho các đơn vị và cá nhân đạt giải.


                                                                           Gioan Hoan (Ban MVTTGP)
Hoài niệm
Võ Trần Sơn Nữ Duyên Sa
Tên hơi khó đọc nhưng mà khó quên
Vừa xinh đẹp, lại dịu hiền
Truyền thông khóa học nên duyên Cô - Trò
Chia tay xao xuyến, thẫn thờ
Bâng khuâng, nhung nhớ, câu thơ bồi hồi...
THÁNG NĂM TRONG KÝ ỨC TUỔI THƠ
                                                                    Ga. Nguyễn Công Hoan

          Cuộc đời con người luôn gắn với thời gian. Thời gian trôi đi, ngày này qua ngày khác và con người sống, trải nghiệm với bao niềm vui, nỗi nhớ, vất vả, cực nhọc, suy tư... thành công có nhưng thất bại cũng là điều khó tránh khỏi. Sinh thời, ở cái tuổi “làm ăn”, mải mê với công việc mưu sinh, phấn đấu, đôi khi ta lãng quên với thời gian đang thu hẹp dần đời mình, đến khi có dịp “nghỉ ngơi”, chợt ngoảnh lại đã thấy mình “bước sang bên kia dốc của đời” rồi! Ấy là lúc ta có điều kiện suy ngẫm những gì ta đã chứng kiến, đã trải qua với bao điều nhớ, điều quên...Tuy nhiên, một vấn đề mà đa số chúng ta có lẽ cùng chung một ý nghĩ: đó là khó có thể quên những kỷ niệm về một thời thơ ấu, mặc dù nó cách cuộc sống hiện tại của ta hàng vài chục năm.  Với tôi cũng vậy, những gì gắn bó với tuổi ấu thơ hầu như chưa bao giờ phai mờ trong ký ức. Một trong những kỷ niệm in dấu ấn trong cuộc đời ngoài “lục tuần” của tôi - một giáo dân, cũng là người hay hoài niệm – đó là không khí của Lễ hội rước kiệu hoa và Dâng hoa kính Đức Mẹ trong tháng Năm ở quê mình.
          Tôi sinh ra cuối thời kỳ kháng chiến chống Pháp, và lớn lên ở một vùng quê có thể gọi là nghèo khó lúc đó. Cả làng trông vào nghề làm ruộng và kiếm cá, kiếm tôm. Theo lời kể của ông già, bà cả trong làng thì nơi này đã theo đạo Công giáo từ vài trăm năm trước, đã có nhiều Thánh tử đạo trong thời kỳ cấm cách thời phong kiến cuối thế kỷ XIX; một làng “thuần nông” và “thuần đạo”. Bọn trẻ cùng trà cùng trật với tôi gắn bó tuổi thơ của mình với dòng sông, bến nước và đặc biệt là ngôi Thánh đường cổ kính được xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Nhà thờ không lớn nhưng ấm cúng với hai hàng cột gỗ lim và mái ngói rêu phong, sân lát gạch bát tràng, kiểu dáng giản dị mà theo nhận thức của tôi lúc đó, nhà thờ giống như một ngôi nhà ở thôn quê, có điều là nó to lớn hơn mà thôi! Chuông nhà thờ làng tôi lúc đó không phải chuông giật dây mà là loại chuông như ở chùa, đánh bằng vồ gỗ nhưng cũng rất vang và ngọt. Sáng, trưa, chiều tối, tiếng chuông ngân nga khắp một vùng hòa với tiếng sáo diều thật thanh bình, gợi cảm. Sau này khi đi xa, tôi vẫn hoài niệm về nơi chôn rau cắt rốn của mình:
Làng tôi trải dọc bờ sông
Bình minh sóng gợn nắng hồng xôn xao
Bờ tre gọi gió rì rào
Nghe như tiếng mẹ ngọt ngào ru con
Chuông chiều buông tím hoàng hôn
Đêm xa thao thức bồn chồn nhớ quê...
          Lễ Phục sinh khép lại tuần bát nhật, bầu trời cuối xuân đang có vẻ âm u bỗng bừng sáng với ánh mặt trời. Hoa xoan rụng đầy ngõ. Hoa gạo chúm chím rồi bung ra đỏ chói ven đê. Tiếng ve ran trên các rặng cây. Tháng năm, tháng Dâng hoa kính Đức Mẹ đến rồi! Cả làng, nhất là bọn trẻ, cả nam, cả nữ đều háo hức như chào đón một sự kiện đặc biệt của đời sống người giáo dân. Thời ấy, trừ các sinh hoạt vui hát của thiếu nhi do các anh chị thanh niên tổ chức, thì Dâng hoa tựa như một ngày hội của làng xóm vậy. Các bà, các chị đua nhau đưa con cháu mình tới nhà thờ để ông Trùm, bà Trùm, ông bà Quản chọn lựa, sắp xếp đội hình và hướng dẫn tập luyện (lúc đó không có khái niệm “Ban hành giáo”, “Ban tổ chức”...như bây giờ nhưng công việc được thực hiện đâu vào đó). Làng tôi có 4 xóm trong đó có 1 xóm theo đạo Phật). Đội hình dâng hoa được chia làm 3 đội, mỗi xóm cử một đội chừng 40 đến 50 thành viên nữ tuổi từ 10 đến 13. Chúng tôi là con trai nên không được tham gia đội dâng hoa nhưng cũng vui và háo hức chẳng kém các bạn hoặc các chị trên tuổi mình. Tôi còn nhớ hồi đó, tối thứ 3,5,7 trong tuần đều có dâng hoa tại nhà thờ. Cho đến bây giờ, không khí đêm dâng hoa ngày ấy vẫn còn sống động trong tôi, nhiều lúc hiển hiện cả trong những giấc mơ êm đềm về làng quê của mình. Để chuẩn bị hoa, ngay từ buổi sáng và buổi chiều hôm dâng hoa, các bà, các mẹ đã phải chuẩn bị mâm hoa cho con cháu mình. Hoa phổ biến nhất là hoa đại (người Lào gọi là hoa chăm pa). Hoa đại thường trồng ở đình chùa, màu trắng hoạc màu đỏ, hương rất thơm. Cũng may là làng tôi có một xóm theo đạo Phật, trong sân chùa trồng mấy cây hoa đại. Biết xóm giáo có hội dâng hoa, bà con xóm chùa đã vui lòng cho các bà các chị xóm giáo trảy bớt những bông hoa trên cây vì làng tôi vốn có truyền thống đoàn kết lương giáo bền chặt từ xưa nên mặc dù khác tôn giáo nhưng việc gì cũng ủng hộ nhau. Con gái, con trai trong làng vẫn chơi thân và nếu thương yêu nhau vẫn kết nên vợ nên chồng. Khi hoa đại ở chùa đã vãn, các bà, các chị lại phải đi xa hơn, thậm chí lên cả Đền Hùng cách nhà 7,8 cây số để xin hoa. Chúng tôi không được cử dâng hoa nhưng việc hái hoa thì luôn được nhờ vả vì con trai thạo việc leo trèo. Chúng tôi ngắt nhẹ  những bông hoa nở vừa tầm cho vào túi vải trao cho các bà, các chị, các bạn đã đón chờ sẵn dưới gốc cây. Tiếng gọi, tiếng cười ríu rít thật thích thú. Để có được mâm hoa rực rỡ, đẹp mắt còn phải có nhiều công đoạn nữa. Trước tiên phải lấy chỉ trắng cuốn chặt từng bông hoa theo hình búp măng thật đều nhau. Hoa đại được xếp trên mâm bồng sơn son thếp vàng có tiện nhiều vòng to, nhỏ. Người xếp hoa phải rất khéo léo để mâm hoa thật tròn và cân đối, chặt chẽ từ mặt đến chóp mâm bồng. Xen giữa các lớp hoa đại là các viền trang trí bởi các loại hoa khác như cánh râm bụt (màu đỏ), nụ hoa lan (màu xanh), hoa cúc (màu vàng)... Để “tiết kiệm” hoa, cũng là tạo sự kết nối  vững chắc cho mâm hoa (vì khi dâng hoa, có nhiều động tác di chuyển) nên khoảng giữa mâm hoa còn được phụ thêm các loại lá (vông, thầu dầu...) cắt theo hình tròn hoặc lục giác. Mâm hoa xếp xong, được đưa đi đưa lại theo các động tác dâng hoa, nếu có gì chưa ổn phải dỡ ra xếp lại từ đầu. Thật là một công việc tỉ mỉ và nghệ thuật. Bọn con trai chúng tôi ngồi vây xung quanh các bà, các mẹ vừa giúp việc vừa xem không chán mắt.
          Bảy giờ tối, tiếng chuông nguyện kinh vang lên, cả ngôi nhà thờ đã chật cứng người dự. Đội dâng hoa (còn gọi là con hoa) trong trang phục áo dài truyền thống, váy trắng hoặc áo tứ thân màu sắc rực rỡ, đầu đội mũ kiểu "triều thiên" có cắm nhiều bông hoa đẹp, đỉnh mũ có hình Thánh giá, đã tề tựu đông đủ từ trước. Hai hàng ghế nhà thờ được kê gọn sang hai bên để dành một khoảng trống khá lớn ở giữa cho đội dâng hoa. Tượng Đức Mẹ Maria được đặt trang trọng gần giáp với khu vực bàn thờ chính. Trông Mẹ thật hiền từ như người bà, người mẹ của mình vậy.
          Người cầm chịch trong nghi lễ dâng hoa (cũng là người huấn luyện các em) sử dụng một trống khẩu để điều khiển. Ba hồi chín tiếng trống cất lên giòn giã báo hiệu cuộc dâng hoa bắt đầu. Bà cầm chịch cất tiếng hát. Tôi còn nhớ lúc đó bà đã khá nhiều tuổi nhưng giọng rất cao và rất trong. Chiếc dùi trống trong tay bà như múa và tiếng trống thật có hồn. Tất cả các điệu múa, hát của đội dâng hoa đều theo nhịp trống khẩu. Các điệu múa này thường nhẹ nhàng, uyển chuyển, khiêm cung. Tay bưng mâm hoa, các con hoa lượn theo hình số 8, hình ngôi sao, trái tim, chữ A, chữ M, chữ S...kết hợp với các động tác như bái quỳ, khấu đầu, dâng hoa trước tượng Đức Mẹ... miệng hát những bài "vãn hoa"."Vãn hoa" là nhứng lời  hát theo một số giai điệu truyền thống của mỗi vùng công giáo (tựa như làn điệu dân ca địa phương - tiếc rằng hiện nay ít người nghiên cứu hoặc ghi âm loại "vãn" này). Lời các bài "vãn" ngợi ca, xin ơn Đức Chúa Trời, Đức Mẹ ban cho quê hương, giáo phận, dân làng, con cháu được bình an, hoà thuận, no ấm. Phần cuối của nghi thức dâng hoa là từng nhóm con hoa (đỏ, trắng, vàng, tím, xanh) hoặc mượn điển tích và hương thơm của 7 loài hoa quí ( quì, sen, lê, cúc, mai, mẫu đơn, lan) vừa hát vừa tiến lên đặt mâm hoa trước tượng Đức Mẹ.
          Trong buổi dâng hoa, tôi thích nhất là các động tác lượn của các con hoa. Động tác này cần có sự uyển chuyển, đặc biệt là phải chính xác tuyệt đối, vì nếu không khéo các con hoa sẽ va chạm vào nhau, thậm chí có thể đổ cả mâm hoa. Tiếc thay thời ấy đâu có máy ảnh hoặc điện thoại di động như bây giờ để có thể ghi lại những ảnh hình ấy thì đáng quý biết bao!
          Thông thường một buổi dâng hoa thời ấy bao gồm 3 phần: Giáo đầu, thăng đường và bái vịnh; Dâng hoa, ca ngợi công ơn  Đức Mẹ; Cảm tạ Chúa, giãi bày lòng con thảo với mẹ hiền.Thời gian thực hiện nghi lễ dâng hoa chỉ chừng hơn một tiếng đồng hồ thôi nhưng thực sự là một màn biểu diễn nghệ thuật thật độc đáo. Từ ca từ của các làn điệu hát đến các động thái của con hoa đều kết hợp rất nhịp nhàng khiến người dự không khỏi xuýt xoa, cảm mến và rung động tâm can, thêm lòng sốt sắng kính Đức Mẹ, đặc biệt là trước giờ cử hành Thánh lễ sau khi kết thúc buổi dâng hoa.
          Tháng năm này ở quê tôi vẫn tiến hành nghi lễ dâng hoa truyền thống kính Đức Mẹ. Nghi thức dâng hoa giờ đây đã có nhiều thay đổi, từ giai điệu, ca từ bài hát, động tác của con hoa, nhiều phương tiện hiện đại phụ trợ (trang âm, ánh sáng, dàn nhạc...) nhưng lắng đọng trong ký ức tuổi thơ tôi cách đây nửa thế kỷ về bầu khí những buổi dâng hoa thưở ấy vẫn còn sống động mãi mãi...

                                                                                     N.C.H

Thứ Ba, ngày 15 tháng 7 năm 2014

Hoài niệm
Võ Trần Sơn Nữ Duyên Sa
Tên hơi khó đọc nhưng mà khó quên
Vừa xinh đẹp, lại dịu hiền
Truyền thông khóa học nên duyên Cô - Trò
Chia tay xao xuyến, thẫn thờ
Bâng khuâng, nhung nhớ, câu thơ bồi hồi...
XƯNG TỘI, RƯỚC LỄ LẦN ĐẦU - DẤU ẤN THIÊNG LIÊNG
KHÔNG MỜ PHAI CỦA TUỔI THƠ GIÁO XỨ NỖ LỰC

          Nhận được điện của Cha Quản xứ Giuse thông báo tối nay, thứ 7(3/5/2014) có Thánh lễ cầu nguyện và ban Thánh thể cho các em xưng tội, rước lễ lần đầu của Giáo xứ, tôi vội vàng chuẩn bị “đồ nghề” để “thực thi công vụ” được giao.     Sau Lễ Phục sinh, theo Thời gian biểu mùa hè, Thánh lễ được cử hành vào 20 giờ, nhưng 19 giờ 15 phút, tôi đã có mặt tại Quảng trường Giáo xứ và được tận hưởng ngay những phút đầu tiên không khí chuẩn bị buổi lễ. Trước sân Nhà Mục vụ, các bé trai, bé gái ăn mặc đẹp đẽ, ríu rít như bầy chim non đang í ới gọi nhau tập hợp thành đội ngũ. Các thầy cô giáo lý viên vừa kiểm tra con số vừa tranh thủ dặn dò những điều cần thiết về nghi lễ để các trò nhớ mà thực hiện. Những hàng ghế trên quảng trường cũng đã kín chỗ ngồi. Hầu như tất cả mọi người, nhất là các bậc phụ huynh đều muốn hòa vào niềm vui chung của con cháu mình trong ngày trọng đại này – ngày đầu tiên tuổi thơ được đón nhận Bí tích Hòa giải và Bí tích Thánh thể Chúa ban.  
          Sau chương trình dâng hoa kính Đức Mẹ, trong tiếng nhạc, tiếng hát du dương, 95 em trong trang phục áo trắng, quần sẫm, nơ đỏ, xếp thành hàng đôi, nến trắng cầm trên tay hân hoan rước Cha chủ lễ ra Lễ đài. Dưới ánh điện, nến lung linh, ngắm nhìn những khuôn mặt xinh tươi, hồn nhiên, trong sáng, nghe tiếng hát thánh thót ca vang lời ngợi khen Chúa, tôi có cảm tưởng như đang được chiêm ngưỡng một “Đoàn thiên thần trần gian” vậy! Cha Chủ lễ đi cuối cùng, nụ cười đôn hậu, cởi mở, chắc cũng không giấu được niềm vui đang dâng lên khi nghĩ về tương lai tươi sáng mà Chúa sẽ ban cho các “công dân nhí” của Giáo hội qua các phép Bí tích của Người.
          Bầu khí buổi lễ hôm nay hình như có khác chút ít với ngày lễ thông thường. Bên cạnh sự trang nghiêm, tĩnh lặng thì tình cảm, niềm vui chia sẻ với tuổi thơ của cả cộng đoàn luôn muốn bật ra thành tiếng cười, tiếng vỗ tay giòn rã. Thật vậy, khi chứng kiến “tiết mục phỏng vấn - kiểm tra” của Cha Chủ lễ với đoàn chiên “nhí” của mình về những điều liên quan đến hai phép Bí tích, nghe các em tranh nhau giơ tay trả lời thì ít ai kìm được tiếng cười, tiếng xuýt xoa và vỗ tay khen ngợi. Câu hỏi không khó vì chỉ xoay quanh nội dung các thầy cô giáo lý viên truyền đạt, nhưng trả lời đầy đủ, gọn gàng, mạch lạc, lưu loát cũng đâu phải dễ. Vậy mà trên 90 phần trăm các cháu đã trả lời xuất sắc khiến người nghe phải cảm phục. Mới biết con cháu ta bây giờ thật thông minh, sắc sảo. Như vậy không vui, không vỗ tay động viên sao được! Với sự chuẩn bị chu đáo, cặn kỹ của giáo lý viên, sự sốt sắng, tinh thần tự tin nên các nghi thức trong buổi lễ như đọc sách Thánh, hát đáp ca, đọc Lời nguyện giáo dân... đều do các em đảm nhiệm và thực hiện rất tốt, rất thành công, không hề xảy ra một sơ suất nhỏ nào. Ngắm nhìn đoàn trẻ thơ sắp hàng nghiêm chỉnh, đôi bàn tay giơ ra trước ngực đón nhận bánh Thánh từ Cha Chủ tế, lòng tôi rưng rưng xúc động nhớ về thời thơ ấu của mình cách đây đã hơn nửa thế kỷ. Ngày ấy, tôi cũng như các bậc cao tuổi cũng đã được nhận hồng ân của Chúa như các em hôm nay; song, do điều kiện lịch sử, các nghi thức lúc đó đâu được trang trọng, đẹp đẽ, sinh động như bây giờ. Tôi chợt nhớ lại những đoạn, những câu trong Kinh Bổn cũ mà các ông, bà quản đã dạy lũ trẻ chúng tôi về Phép Giải tội và Phép mình thánh Chúa thuở nào và suy ngẫm về một triết lý tâm linh của người Kitô hữu: Những phép Bí tích mà Chúa ban sẽ “in dấu ấn thiêng liêng trong linh hồn chẳng hay mất”. Suy ngẫm về điều đó, tôi thầm mong ước và nguyện cầu cho con cháu chúng tôi ngày hôm nay cũng sẽ mãi mãi ghi dấu ấn thiêng liêng này suốt cuộc đời. Điều đó cũng đã được nêu lên trong Lời phát biểu của một vị đại diện các bậc ông, bà, cha mẹ các cháu cuối lễ. Cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, cảm ơn chân thành Cha Quản xứ, các thầy cô giáo lý viên và cộng đoàn, các bậc phụ huynh đã nguyện hứa sẽ tiếp tục nuôi dưỡng, dạy dỗ, giáo dục, nâng đỡ con em mình trong đời sống Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến, để các cháu trở thành những “thần dân trung thành của Chúa và Giáo hội” và công dân có ích của xã hội.
          Thánh lễ khép lại trong bầu khí hân hoan với bài đồng ca “kết lễ” của 95 “thành viên nhí” trong Gia đình Giáo hội hòa với tiếng hát chung của cộng đoàn khiến long tôi xao xuyến mãi...

                                          22 h Thứ 7 – 3/5/2014 – Ga. Hoan (Ban MVTT)

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Ngày thứ ba của Khóa MVTT 2013 - Giáo phận Hưng Hóa

Lớp học được tiếp tục với sự có mặt đông đủ. 45 học viên với khuôn mặt tươi sáng đồng thanh ca vang các bài hát truyền thống của mình.
Mở đầu buổi học, Cha Giuse Vũ Hữu Hiền tóm tắt lại những nét chính yếu của nội dung buổi học ngày thứ 2, trong đó nhấn mạnh kỹ năng viết tin nóng và tin mềm. Ngài đã cùng cả lớp chung sửa một trong những tin viết có chất lượng tốt: Đó là bài của Thầy Hương - một bài viết có thể trở thành bài mẫu cho các học viên nghiên cứu, học tập.
Tiếp đó, Cha Giảng viên đã truyền đạt các nội dung cơ bản như phương pháp tạo trang tin cho Giáo xứ, Giáo hạt; nội dung cần phản ánh trong các chuyên mục, kỹ thuật chèn hình ảnh vào trang tin, trang viết...Mặc dù trình độ các học viên còn hạn chjees và không đồng đều (nhất là kỹ năng thực hiện công nghệ thông tin) nhưng ai nấy đều hết sức cố gắng, người nọ giúp đỡ người kia để hoàn thành công việc.
Ngày thứ 3 của Khóa học đã thu được những kết quả tốt đẹp./.

Nụ cười thư giãn

Góc hài hước

Cái gối


Một sếp đã luống tuổi, nhưng để hô hào, động viên phong trào học Anh văn của cơ quan đang dâng lên rầm rộ, ông liền bảo cô văn thư ra hiệu sách mua về cho mình hẳn 2 bộ Từ điển dày cộp, 1 bày trên giá sách phòng làm việc, 1 đem về nhà để tiện "nghiên cứu" lúc... rảnh rỗi.
          Thấy chồng rút từ cặp ra một gói bọc giấy báo vuông vức và đặt ngay ở đầu giường ngủ, bà vợ (mới từ quê ra) hỏi:
-         Mình mang gói gì về mà có vẻ nặng thế?
          - A`, đấy là cái gối đầu giường của tôi ấy mà - ông chồng đáp vẻ quan trọng.
Chiều hôm sau, đi làm về, thấy cái gói đã biến đi đâu mất, thay vào đó là một chiếc gối bông mới tinh, chồng bực bội hỏi:
-         Cuốn Từ điển Anh - Việt của tôi bà để đâu rồi?
Bà vợ vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa vui vẻ trả lời:
-         Cái quyển sách cứng như mo cau ấy à? Làm gối có mà đau đầu chết! Tôi đã bán nó cho bà mua giấy vụn rồi, đủ tiền để sắm cả 2 cái gối bông kia đấy! Ông thử xem có êm không nào!
                                             Khuyên

Vừa bước vào phòng, thấy chồng đang cắm cúi trên trang giấy, vợ hỏi:
- Nghe nói hình như hồi nàyanh đang tập viết báo phải không?
Chồng hứng khởi:
- Đúng vậy! Thì ra bấy lâu nay chính anh cũng chưa lường được khả năng viết lách của mình. Không ngờ vừa rồi, hơn một chục bài gửi đi thì được đăng tới 7,8. Cứ đà này chẳng mấy chốc mà được kết nạp vào Hội nhà báo đấy. Em đọc thử bài anh mới viết đây này.
- Thôi đi ông ạ. Báo với chí mà làm gì. Không khéo mang vạ vào thân!
- Ai bảo em vậy?
- Thì sếp của em chứ ai. Ổng nói, ổng chúa ghét bọn nhà văn, nhà báo, không thể "dây" được với họ. Anh mà làm nhà báo, ổng biết, ổng ghét anh thì cái chức thư ký giám đốc của em cũng ...đi tong luôn!
Chồng:!!!
                  
                                                                     Nguyễn Công Hoan

                                                                                 (Thư viện tỉnh Phú Thọ)

Đường Trần Phú - T.p Việt Trì - Phú Thọ
ĐT: (0210843350; 0912181469)



Cháy

1. Khách: Này em, sao cơm nhà hàng ta có mùi khê khê thế?
     Nhân viên (tươi cười): Ôi ông anh! Đó là mùi vị đặc biệt của Khu du lịch Bãi Cháy đấy ạ!

2. A: Ấn tượng sâu sắc nhất của cậu về chuyến du lịch Bãi Cháy này là gì vậy?
    B: Cháy túi!
    A: !...

3. Chàng (gọi điện từ nước ngoài về cho người yêu): Em à, có nhớ anh không?
    Nàng (nũng nịu kiểu giọng quảng cáo dầu gội đầu X.): Ai thèm nhớ anh!...Mà anh hứa gửi chiếc áo lông chồn gì gì đó vào dịp Tết sao giờ vẫn...
    Chàng: Nhớ, nhớ rồi! Ôi em, anh nhớ em đến cháy cả người lên đây! Em...
    Nàng (vội vã cắt ngang): Ấy chết! Anh, anh bỏ ngay ví ra ngoài đi! Tiền đô là dễ bén lửa lắm đấy!
    Chàng:!...

Thật thà
Trên bờ đê làng, chàng và nàng đang ngồi tâm sự. Chớm đông. Trời se se lạnh. Chỉ tay ra cánh đồng rau, màu đang lên xanh mướt, chàng trai say sưa giảng giải cho người yêu các khâu kỹ thuật chăm sóc cây vụ đông theo cuốn sách mà chàng mới mượn được ở Thư viện xã. Cô gái khẽ khàng nắm lấy khuỷu tay chàng:
- Anh...Trời lạnh quá!
Chàng trai vụt reo to:
- Thật may quá phải không em! Thời tiết thế này chắc chắn làng ta năm nay được mùa khoai tây rồi!
Nàng:...
Đọc làm gì
Trước cửa thư viện, hai nữ sinh lớp 12 tâm sự với nhau:
Nữ sinh A: Này, cậu đã đọc "Thép đã tôi thế đấy" của Nhicôlai Ốtxtơrốpxki chưa? Nghe bọn nó nói đó là tác phẩm nổi tiếng lắm!
Nữ sinh B: Trời ơi! Cậu ấm đầu à? Cánh ta đang luyện thi vào Khối xã hội chứ có phải Khối tự nhiên đâu mà rồi hơi đọc những tài liệu về cơ khí ấy cơ chứ!
Nữ sinh A:!...
                                                                               Nguyễn Công Hoan
                                                                            (Thư viện  tỉnh Phú Thọ)

Đường Trần Phú - T.p Việt Trì - Phú Thọ

Khóa học truyền thjoong Giáo phận Hưng Hóa 2013

Khóa mục vụ tuyền thông năm 2013 của Giáo phận Hưng Hóa đã khai giảng vào ngỳ 04/11/2013 tại Trung tâm mục vụ Hà Thạch (TTMVHT). Hiện diện trong ngày hai mạc có lih mục Trưởng Ban Truyền tnoong - cũng là Trưởng Ban tổ chức, 45 học viên (07 linh mục, 01 phó tế, 27 chủng sinh, 02 nữ tu và 8 giáo dân cùng với Ban Giảng huấn gồm linh mục Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, 01 chuyên viên CNTT, 01 chuyên gia họa nhiếp ảnhđồ. Ngay từ chiều hoomh trước, các học viên đã tới TTMVHT nhận phòng.Vào lúc 9 giờ, mọi người đã có mặt tại phòng học tham dự nghio thức khai mạc. Sau phần giới thiệu Ban Giảng huấn và các học viên

Thiếu nhi Thánh thể Nỗ lực

Tin hoạt động Giáo xứ
Lễ thành lập tổ chức "Thiếu nhi thánh thể"

            Tối 27/8/2009, tại Nhà thờ Giáo xứ Nỗ Lực( xã Thuỵ Vân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, thuộc Giáo phận Hưng Hoá) đã cử hành Thánh lễ ra mắt tổ chức đoàn thể "Thiếu nhi thánh thể" của Giáo họ do Cha Giu se quản xứ Nguyễn Viết Hiệp đồng thời là Cha linh hướng chủ tế. Tham dự thánh lễ có  Ban hành giáo, Hội đoàn các giáo họ, các bậc phụ huynh và đông đảo giáo dân trong Xứ. Trên 330 em thuộc lứa tuổi thiếu nhi tình nguyện gia nhập tổ chức "Thiếu nhi thánh thể" đã sốt sắng hiệp dâng thánh lễ cùng cộng đồng.
            Trong bài giảng, Cha chủ tế đã nêu lên ý nghĩa cao đẹp của hoạt động "Thiếu nhi thánh thể". Đó là sự tập hợp lứa tuổi măng non vào một tổ chức nhằm giáo dục các em có tinh thần, đạo đức ki tô giáo và đạo đức xã hội, hướng tới Chân, Thiện, Mỹ và tránh xa các tệ nạn xã hội. Hoạt động của Tổ chức này sẽ là một trong những nhân tố tích cực cộng tác với gia đình, hội đoàn, nhà trường, chính quyền và các đoàn thể xã hội trong việc quản lý, giáo dục, hướng dẫn các em trên con đường phấn đấu trở thành những công dân guơng mẫu, nối tiếp truyền thống tốt đẹp của cha ông.
            Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã công bố Danh sách các thành viên của các Ban: Huynh trưởng, Trợ uý, Hướng dẫn…Cha chủ tế đã làm phép và trao khăn, cờ của tổ chức "Thiếu nhi thánh thể" cho các thành viên trong niềm hân hoan và tin tưởng của toàn thể bà con giáo dân tham dự thánh lễ.
            Phát biểu cảm tạ, em Đội trưởng thay mặt các bạn đã nói lên những lời tâm huyết:" Chúng con là những búp măng non tự hào, hạnh phúc được sinh ra và lớn lên trong Đại gia đình Giáo hội và đất nước Việt Nam ,  luôn đựoc chở che, cưu mang dưới hàng tre rợp bóng mát lành - đó là tình cảm, là tấm lòng bao dung, nhân hậu của các quý cha, quý dì, ông, bà, cha mẹ, thầy cô giáo và cộng đồng để đoàn măng non nhỏ bé chúng con luôn mọc thẳng và lớn lên không ngừng; lánh xa được những cạm bẫy tệ nạn xã hội đang rình rập khắp nơi mà lứa tuổi còn non nớt của chúng con rất dễ mắc phải.Chúng con luôn tâm niệm rằng: quý Cha, quý Đoàn thể, gia đình và cộng đồng luôn dành cho chúng con những gì tốt đẹp nhất để chúng con có ngày vui hôm nay với Thánh lễ thật sốt sắng, trang nghiêm và long trọng cũng như tương lai của đoàn chúng con sau này. Chúng con  xin hứa sẽ cố gắng làm tròn bổ phận của mình để xứng đáng với tình thương mà quý Cha và Cộng đồng đã dành cho chúng con và đặt niềm tin yêu ở chúng con".
            Ngày Lễ ra mắt của Tổ chức Thiếu nhi Thanh thể là niềm hân hoan vô bờ đối với lớp măng non Giáo xứ Nỗ Lực đang trong những ngày hoạt động sôi nổi hướng tới Đại hội giới trẻ khu vực miền Bắc sẽ diễn ra trên quê hương Phú Thọ - Đất Tổ Vua Hùng(tháng 11/2009) và kỷ niệm 400 năm đón nhận Tin Mừng và 330 năm thành lập Giáo xứ vào năm 2010.

                                                                                      Nguyễn Công Hoan
Đ/c: Thư viện tỉnh Phú Thọ - Đường Trần Phú - TpViệt Trì - Phú Thọ