http://ubdkcgvn.org.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=1043
Người Công giáo:
Kính nhớ Tổ Tiên trong những ngày Tết
08.02.2011 16:50
Người
Công giáo Việt Nam, trong khi hòa mình vào những giá trị văn hóa truyền thống
tốt đẹp của dân tộc, vẫn luôn cố gắng đem những Giá trị của Tin Mừng thấm vào
văn hóa ấy. Người dân Việt Nam nói riêng và các nước Viễn đông nói chung, luôn
có truyền thống hiếu thảo với các bậc sinh thành dưỡng dục và những người làm
ơn trong cuộc đời mình. Người Việt Nam rất trọng lễ giáo,coi trọng sự bền vững
gia đình với những tôn ti trật tự, với cung cách ứng xử theo mỗi bậc người. Đó
là một nét đẹp. Đó là một điều thật đáng trân trọng và khích lệ.
Lòng thảo hiếu đã trở nên như một Đạo mà ai cũng phải giữ, đó là
Đạo hiếu. Đạo Hiếu chính là đạo của lòng biết ơn. Biết ơn trời đất, biết ơn tổ
tiên ông bà cha mẹ. Ơn đức cha mẹ như trời biển “Công cha như núi thái
sơn,nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Đạo Hiếu chính là sợi chỉ vàng nối
kết mọi người, mọi sinh hoạt gia đình, làm nên bản sắc văn hoá người Việt.
Trong những ngày tết cổ truyền, người Việt Nam thường có
câu: “Mùng Một tết Cha, mùng Hai tết Mẹ, mùng Ba tết Thầy”. Người Công giáo,
trong khi mừng những ngày Tết nguyên đán Âm lịch, cũng dành để: Ngày mùng 01:
Cầu bình an cho Năm mới, ngày mùng 02: Kính nhớ Tổ Tiên, ông bà cha mẹ, ngày
mùng 03: Thánh hóa công việc làm ăn. Điều này nói lên những giá trị mà mỗi
người Công giáo phải trân trọng bởi loan báo Tin mừng của Thiên Chúa chính là
làm sáng lên những nét tinh tuý tiềm tàng trong mỗi nền văn hoá. Tin mừng và
văn hóa giao thoa và hoà điệu với nhau. Tin mừng làm sáng lên những giá trị
sáng ngời có sẵn trong môi trường văn hoá Việt nam, mang đến cho các giá trị
văn hoá ấy chiều kích siêu việt, chiều kích cứu độ.
Ngày đầu tiên của năm mới, mọi người quy tụ bên nhau, trong mái ấm
gia đình và những liên hệ ruột thịt, để cùng tạ ơn về một năm cũ đã qua, đồng
thời nguyện xin cho một năm mới bình an, thăng tiến về mọi phương diện tốt đẹp
trong cuộc sống thường nhật cũng như đời sống đạo đức, tin yêu.
Ngày mùng hai Tết, người Công giáo dành để tưởng nhớ, biết ơn và
cầu nguyện cho các bậc tổ tiên, ông bà cha mẹ còn sống cũng như đã được Chúa
gọi về. Có nhiều nơi, các giáo xứ tổ chức tặng quà chúc thọ các cụ ông, cụ bà
trong Thánh Lễ Mùng Hai Tết, điều này thật ý nghĩa, có giá trị giáo dục con
cháu sống hiếu thảo. Thánh Lễ cũng được cử hành nơi Nghĩa Trang Giáo Xứ ngày
Mùng Hai Tết. Người sống, kẻ chết gặp nhau trong yêu thương, tưởng nhớ trong
mầu nhiệm hiệp thông của Giáo Hội
Ngày mùng Ba tết, người Công giáo Việt Nam được mời gọi để cầu nguyện và
xin Thiên Chúa thánh hóa những công việc làm ăn trong suốt một năm mới. Dâng
lên Thiên Chúa tất cả những công việc làm ăn với những thành công, thất bại
trong một năm đã qua, và cầu mong một năm mới với những công việc làm ăn được
thành công trọn vẹn và thu hái được kết quả tốt đẹp.
Phụng vụ Giáo hội dành ngày Mồng Hai Tết để cầu cho tổ tiên. Hằng
ngày trong mọi thánh lễ, Giáo hội đều có lời cầu nguyện cho ông bà tổ tiên.
Sách Huấn Ca viết: “Chúng ta hãy ca tụng những vĩ nhân và các tổ phụ chúng
ta qua các thời đại. Có những người nhân hậu mà việc thiện của họ không bao giờ
bị lãng quên. Dòng dõi họ được hưởng hạnh phúc, và họ sẽ có con cháu nối dòng,
miêu duệ họ trung thành với lời giao ước và con cái họ nhờ họ cũng được trung
thành. Miêu duệ họ sẽ tồn tại đến muôn đời, và vinh quang của họ không bao giờ
bị lu mờ. Thân xác họ được chôn cất bình an, tên tuổi họ sẽ sống đời này qua
đời nọ. Sự khôn ngoan của họ cộng đoàn truyền tụng, và công hội thuật lại lời
ngợi khen họ” (Hc 44, 1. 10-15).
Thật vậy, truyền thống hiếu nghĩa với các bậc tổ tiên, các đấng
sinh thành đã trở nên nét đẹp trong văn hóa ngày tết của người Công giáo Việt Nam .
Ngày tết là dịp để chúng ta về đoàn tụ bên các đấng sinh thành để xin lỗi, để
cầu chúc các đấng an khang trường thọ. Ngày tết là dịp để con cái nhìn nhận
tình thương của cha mẹ là tình thương không thể thiếu cho con bước đi trong
cuộc đời. Nhờ ơn cha, nhờ nghĩa mẹ mà con cái mới đứng vững trước những sóng
gió cuộc đời.
Cốt lõi của Hiếu bắt đầu bằng: tôn kính cha mẹ lúc còn sống, thờ
phượng cha mẹ lúc qua đời. Biết ơn cha mẹ phải được nói lên bằng đạo hạnh, bằng
thờ cúng tổ tiên. Đó là nhiệm vụ thiêng liêng,là phẩm chất tối cao của con
người.
Việc hiếu lễ từ ngàn xưa đã in sâu vào tâm linh mỗi người.Tôn kính
tổ tiên là một cách tỏ ân nghĩa đối với các vị tiên nhân,ông bà cha mẹ. Lúc ông
bà cha mẹ còn sống,con cháu phải kính mến, phụng dưỡng các ngài thì lòng phải
vui, vâng lời chiều ý các ngài, ăn ở sao cho các ngài hài lòng. Khi các ngài
qua đời, lo an táng tử tế, con cháu thờ kính, giỗ chạp hàng năm. Người Việt
luôn coi trọng việc kính thờ tổ tiên, trọng kính cha mẹ, thương yêu anh, chị,
em. Người Việt vốn hiền hoà, tình cảm, lại chung sống cộng đồng với nhau, suốt
đời quanh quẩn bên luỹ tre làng; cho nên dù sống, dù chết, họ vẫn gần gũi bên
nhau, ấm áp tình người. Việc thờ cúng tổ tiên là mạch nước ngầm trong mát vẫn
mãi nuôi sống và nối kết những tâm hồn Việt Nam giàu tình trọng nghĩa.
Giáo Hội luôn cho con cái hiểu rằng việc hiếu thảo có
giá trị rất cao và là một trong những điều Chúa dạy. Trong 10 điều
răn của chính Thiên Chúa truyền cho con người phải tuân giữ, điều răn thứ bốn
dạy thảo kính cha mẹ được đặt ngay sau ba điều răn về Thiên Chúa bởi
Kinh Thánh đã chỉ rõ “thảo kính cha mẹ là thảo kính Chúa,tôn kính cha mẹ là tôn
kính Chúa”. Dân tộc Việt Nam luôn còn giữ được truyền thống thảo hiếu
và giáo dân Việt Nam còn biết lắng nghe lời Chúa và thực hành lời
Chúa. Do đó, nghĩa vụ, bổn phận đối với các bậc sinh thành, tổ tiên
luôn được trân trọng giữ gìn.
Về vấn đề Tôn kính Tổ Tiên đối với người Công giáo tại Việt Nam ,
Giáo Hội cũng đã có những chỉ dẫn thật cụ thể. Qua các hội nghị tại Đà Lạt năm
1965, tại Nha Trang 1974, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã ra giáo huấn xác định 6
điểm quan trọng sau đây:
1.Bàn thờ gia tiên để kính nhớ ông bà tổ tiên được đặt dưới Bàn
Thờ Chúa trong gia đình miễn là trên bàn thờ không bày biện gì mê tín dị đoan như
hồn bạch.
2.Việc đốt hương nhang đèn nến trên bàn thờ gia tiên và bái lạy
trước bàn thờ gia tiên là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính được phép
làm.
3.Ngày giỗ được cúng giỗ trong gia đình theo phong tục địa phương,
miễn là loại bỏ mê tín dị đoan.
4.Trong hôn lễ, dâu rể được làm lễ tổ, lễ gia tiên trước bàn thờ
vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn hiếu kính trình diện với ông bà.
5.Trong tang lễ được vái lạy, đốt nến xông hương trước thi hài
người quá cố để tỏ lòng tôn kính người đã khuất.
6.Được tham dự nghi lễ tôn kính vị Thần Hoàng để tỏ lòng cung kính
biết ơn những vị có công với dân tộc, ân nhân của dân làng.
Trong văn hóa những ngày Tết cổ truyền dân tộc, ngày Mùng Hai Tết,
Giáo Hội mời gọi con cái mình kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ. Giáo Hội mời gọi
con cái mình sống Đạo Hiếu. Chính từ cha mẹ tổ tiên ông bà mà người Việt Nam có
thể và đi xa hơn, lên cao hơn tới chốn trời cao siêu nhiên huyền bí của cõi
linh thiêng của thần thánh. Từ đó tìm đến với Đấng là nguồn gốc mọi gia tộc
trên tời dưới đất. Đạo Ông Bà, Đạo Hiếu không những chẳng đối nghịch, chẳng cản
trở đối với Đạo Thiên Chúa mà còn là một điểm tựa, một bước khởi đầu thuận lợi,
một lối đi dễ dàng và gần gũi nhất có thể đưa con người đi vào Đạo Thiên Chúa.
Tình yêu và lòng yêu mến biết ơn đối với ông bà cha mẹ càng làm
cho người tín hữu hướng về Thiên Chúa là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới
đất. Hãy biết thảo kính Cha mẹ, hiếu nghĩa với các bậc Tổ Tiên. Đó vừa là nét
đẹp của truyền thống đạo hiếu, vừa là mệnh lệnh mà Thiên Chúa, qua giới răn thứ
Bốn truyền cho con người phải tuân giữ.
Để kết thúc, xin trích dẫn lời giáo huấn của Thánh Phaolô trong
thư gửi giáo đoàn Eepheso để nói lên những bổn phận hiếu nghĩa với Tổ Tiên, ông
bà cha mẹ mà người Công giáo phải tuân giữ: “Hỡi những kẻ làm con cái, hãy
vâng phục cha mẹ trong Chúa: đó là lẽ phải. Hãy thảo kính cha mẹ ngươi, đó là
giới răn thứ nhất kèm theo lời hứa rằng "để ngươi được phần phúc và sống
lâu dài trên địa cầu".
Còn phần anh em là những kẻ làm cha mẹ, anh em
chớ khá làm cho con cái anh em tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng theo lời dạy
bảo và khuyên răn của Chúa. Bằng mọi lời cầu xin và khẩn nguyện, anh em hãy
nguyện cầu mọi lúc trong Thánh Thần. Hãy tỉnh thức ân cần lo việc đó và cũng
hãy cầu nguyện cho tất cả các thánh. Nguyện xin Thiên Chúa là Cha, và nguyện
xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ơn bình an và lòng mến cùng với lòng tin” (Ep 6, 1-4. 18. 23)./.
Thành Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét