Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Lễ rước kiệu hoa kính Đức Mẹ Tháng 5

THÁNG NĂM  VỚI  LỄ HỘI RƯỚC KIỆU HOA
VÀ DÂNG HOA KÍNH ĐỨC MẸ

                                                                     Nguyễn Công Hoan

Theo lịch sử đạo Công giáo Việt Nam, vào nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, giáo hội Công giáo Việt Nam đã qui định nhiều nghi thức tôn kính Đức Mẹ Maria – thân mẫu của Đức Giê su - như đọc kinh cầu Đức Bà, lần hạt Mân côi, rước kiệu Đức Bà, múa hát dâng hoa...trong đó Rước kiệu hoa và Dâng hoa kính Đức Mẹ trong tháng Năm (Dương lịch) hàng năm có thể được coi như những ngày hội của cộng đoàn các giáo họ, giáo xứ Công giáo. Giáo xứ Nỗ Lực (xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì; Giáo xứ Hoàng Xá, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ…) thuộc Giáo phận Hưng Hóa cũng đã tổ chức nghi thức này từ rất lâu đời.
 Người Công giáo lấy tháng Năm làm tháng dành riêng kính Đức Mẹ với tấm lòng tôn kính đặc biệt đối với người phụ nữ đã được Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Đấng cứu thế cách nay trên 2000 năm. Trong tháng Năm này, người ta thường tổ chức rước kiệu hoa có tượng hoặc ảnh Đức Mẹ Maria một hoặc hai lần (thường thì một lần vào giữa tháng).
Hành trình cuộc rước thường bắt đầu từ địa điểm nhà thờ xứ hoặc nhà thờ giáo họ (nếu là họ lẻ) vòng quang trục đường chính trong làng rồi trở về nơi xuất phát (nhà thờ). Tại đó, các em thiếu nhi trong đội dâng hoa sẽ tiến hành nghi thức Dâng hoa kính Đức Mẹ. Tiếp theo, vị chủ lễ (linh mục) cùng cộng đoàn tham gia rước kiệu sẽ dâng lễ tạ ơn và kết thúc cuộc rước. Tuy nhiên, tùy từng năm và từng hoàn cảnh cụ thể của mỗi Giáo xứ, Giáo họ mà hành trình cuộc rước có thể dài hay ngắn, hoặc về quy mô lớn hay nhỏ.
Với Giáo xứ Nỗ lực, để chuẩn bị cho một cuộc rước, Hội đồng Giáo xứ thường xây dựng kế hoạch từ khoảng trung tuần tháng Tư và thông báo thường xuyên trong các buổi lễ thường ngày, đặc biệt là Lễ ngày thứ bảy, chủ nhật để bà con giáo dân được biết và thực hiện sự phân công của Ban tổ chức. Kế hoạch này cũng được báo cáo chính quyền sở tại, các ban ngành chức năng để nhờ giúp đỡ, nhất là về phương diện an ninh trật tự và ánh sáng.
Về số lượng kiệu rước Đức Mẹ thường được phân chia như sau:
Kiệu chính: (kiệu đặt tượng Đức Mẹ): kiệu bát cống sơn son thếp vàng là cỗ kiệu truyền thống của Nhà Xứ đã có từ hàng trăm năm nay. Kiệu có 8 người khiêng là nam giới vận trang phục lễ hội. Kiệu, chấp kích, trống cái, chiêng, trống khẩu và trang phục của người khiêng kiệu… không khác gì mấy so với những gì chúng ta thường thấy ở các cuộc rước trong Lễ hội dân gian vùng Đất Tổ.
          Kiệu hoa: (kiệu đặt ảnh Đức Mẹ) được Hội đồng Giáo xứ phân công cho từng Giáo họ hoặc từng Khu dân cư của làng đảm nhiệm. Kiệu hoa là sự sáng tạo của các “nhà thiết kế” vì loại kiệu này không quy định một mấu mã bắt buộc nào. Có thể là hình trái tim, hình ngôi sao năm cánh, quả cầu, tháp nhà thờ, hình tượng con thuyền của ông Noe thời Cựu ước… Bộ khung kiệu thường làm bằng chất liệu tre, nứa, gỗ, ống nhựa, dây thép nhỏ…vừa tạo sự vững chắc nhưng cũng rất uyển chuyển, nhẹ nhàng, thanh thoát. Kiệu hoa được kết bằng những dây xâu chuỗi các bông hoa tươi đẹp như: hoa đại, hoa cúc, hoa lan… Hoa được kết thành những hình rất lạ mắt. Kiệu hoa còn được trang trí thêm bởi hoa giấy các màu và dây tráng kim óng ánh. Khoảng mươi năm trở lại đây, người ta đã sử dụng nhiều loại bóng đèn màu để tôn thêm vẻ đẹp cho kiệu. Mỗi kiệu thường dùng một máy phát điện từ 3 đến 5 kw phục vụ nên ánh sáng rất lung linh , huyền diệu. Mỗi đơn vị được phân công đều thi đua nhau làm kiệu thật đẹp. Kiệu nào đẹp hơn thì người ở đó cũng cảm thấy tự hào. Người khiêng kiệu hoa thường là các thiếu nữ trong những bộ áo dài truyền thống muôn màu sắc, vừa đi vừa hát Thánh ca.
          Đoàn rước kiệu hoa đi đầu là người cầm cây Thánh giá có lọng che, tiếp theo là 12 ông tư viên mặc áo thụng tím quần trắng, đầu đội mũ tế, tay cầm nến trụ, người ta thường gọi là Thánh giá nến trụ. Rồi đến  phường trống, trắc của các em thiếu nhi, các hội đoàn, đội kèn đồng, phường bát âm đi thành hai hàng. Sau nữa là ca đoàn vừa đi vừa hát vang các bài hát ngợi ca Đức Mẹ Maria. Rồi đến các kiệu hoa của các Giáo họ hoặc khu dân cư. Người của đơn vị nào thì đi theo kiệu của đơn vị đó. Đi cuối cùng là kiệu chính rước tượng Đức Mẹ. Ngay sau kiệu chính  là vị linh mục và hai chú nhỏ mặc áo lễ màu trắng, tay cầm bình hương, một số người giúp việc và bà con giáo dân.
          Khi màn đêm buông xuống ( khoảng 7 giờ tối ) thì cuộc rước được bắt đầu.  Trong Thánh đường trống chuông nổi lên ba hồi chín tiếng. Kiệu hoa được nâng lên vai, đoàn rước lần lượt đi qua các trục đường chính quanh làng xóm rồi tiến về khu Thánh đường. Tiếng trống, kèn, sáo, nhị cùng tiếng hát của ca đoàn vang lên. Đoàn rước đi tới đâu rôm rả tới đó. Người người cầm cờ, nến và đèn ông sao, đèn điện màu giơ lên đầu mình sáng rực cả một vùng. Đoàn rước ngày một đông hơn bởi đi tới đâu  lại có người gia nhập tới đó. Cho dù cuộc rước có tới hàng ngàn người tham gia, trong đó có rất nhiều thiếu nhi đang ở tuổi hiếu động, nghịch ngợm nhưng rất trật tự và cung kính. Khi về tới khu vực Thánh đường, đoàn rước đi vòng quanh nhà thờ một lượt sau đó tập trung kiệu hoa trước Lễ đài, kiệu chính được đặt ở giữa. Những buổi lễ này thường được tổ chức ngoài trời vì giáo dân đông lại vào tháng nóng nực cần gió mát. Đức chủ tế làm phép kiệu theo nghi thức quy định.
Tiếp đó các em thiếu nhi (còn gọi là con hoa) trong trang phục áo dài truyền thống, váy trắng hoặc áo tứ thân màu sắc rực rỡ, đầu đội mũ kiểu "triều thiên" có cắm nhiều bông hoa đẹp, đỉnh mũ có hình Thánh giá (trước năm 1945, ở một số vùng, các em con hoa đầu đội mũ chóp) thực hiện nghi thức Dâng hoa kính Đức Mẹ. Số lượng con hoa nhiều hay ít là tuỳ thuộc vào "đạo diễn" nhưng thường là 40 đến 50 em. Đó là các em gái lứa tuổi từ 10 đến 12, 13, có thân hình bụ bẫm, mềm dẻo, gương mặt xinh tươi. Cứ 4 em được xếp vào một hoa, có tất cả 5 hoa đứng theo đội hình lần lượt: hoa đỏ, hoa trắng, hoa vàng, hoa tím, hoa xanh. Và 7 hoa mỗi hoa cũng gồm 4 em đó là các hoa: hoa quì, hoa sen, hoa lê, hoa cúc, hoa mai, hoa đơn, hoa lan. Hoa được xếp trên  mâm bồng bằng gỗ sơn son thếp vàng, em nào dâng hoa nào thì cầm mâm bồng hoa màu đó, loại đó. Có khi đạo diễn còn bố trí 12 em đóng vai thiên thần khoác đôi cánh giấy hình cánh chim bồ câu, mặc váy trắng, tay cầm nến đứng đầu các hoa. Ngoài mâm bồng hoa, có khi "đạo diễn" thêm một vài đạo cụ như nến hoặc quạt giấy màu hoặc hoa bó thay cho mâm bồng hoa.
Người cầm chịch trong nghi lễ dâng hoa (cũng là người huấn luyện các em) sử dụng một trống khẩu để điều khiển. Tất cả các điệu múa, hát lúc dâng hoa đều theo nhịp trống khẩu. Các điệu múa này thường nhẹ nhàng, uyển chuyển, khiêm cung. Tay bưng mâm hoa, các em lượn theo hình số 8, hình ngôi sao, trái tim, chữ A, chữ M...kết hợp với các động tác như bái quỳ, khấu đầu, dâng hoa trước tượng Đức Mẹ... miệng hát những bài "vãn hoa"."Vãn hoa" là nhứng lời  hát theo một số giai điệu truyền thống của mỗi vùng công giáo (tựa như làn điệu dân ca địa phương - tiếc rằng hiện nay ít người nghiên cứu hoặc ghi âm loại "vãn" này). Lời các bài "vãn" thường ngợi ca, xin ơn Đức Chúa Trời, Đức Mẹ ban cho quê hương, giáo phận, dân làng, con cháu được bình an, hoà thuận, no ấm. Gần đây, một số làn điệu dân ca Bắc Ninh cũng được các "đạo diễn" phổ lời trong các buổi dâng hoa nên giai điệu các bài "vãn" cũng thêm phần phong phú.
          Thông thường cấu trúc một buổi dâng hoa gồm 3 phần.
          Phần I: Giáo đầu.Thăng đường và bái vịnh
          Thăng đường: Hội con hoa rước tượng Đức Mẹ vào nhà thờ (hoặc lễ đài - nếu cử hành thánh lễ ngoài trời), đặt tượng lên toà và cất tiếng hát.
          Bái vịnh: Bái quì - ngũ bái thờ lạy Ba ngôi Thiên Chúa, tôn kính Đức Mẹ, Thiên thần và các Thánh.
         

          Phần II: Dâng hoa, ca ngợi công ơn  Đức Mẹ.
          Gồm: Tiến hoa ngũ sắc: Từng đôi con hoa đỏ, trắng, vàng, tím, xanh.
          Dâng hoa (Dâng theo hình thức cổ điển hoặc hình thức mới, có cải biên cho phù hợp): Mượn điển tích và hương thơm của 7 loài hoa quí ( quì, sen, lê, cúc, mai, mẫu đơn, lan) để ca ngợi nhân đức cao cả của Đức Mẹ.
          Phần III: Cảm tạ - Tạ ơn Chúa. Giãi bày lòng con thảo với mẹ hiền
          Dâng hoa của các xứ, họ Công giáo không chỉ trong ngày Lễ rước kiệu hoa mà còn được tổ chức vào các tối thứ 7, chủ nhật trong tháng Năm này.
          Sau nghi thức Dâng hoa, vị linh mục chủ tế mới tiến hành dâng Thánh lễ trọng thể. Thông thường cuộc rước và Thánh lễ kết thúc trước 10 giờ đêm vừa để đảm bảo sức khỏe mọi người vừa đảm bảo công tác an ninh làng xóm.
         
          Mặc dù đạo Thiên Chúa được truyền bá từ phương Tây vào nước ta, song trong một số sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng này lại chuyển tải hoặc vay mượn nhiều yếu tố văn hoá của làng Việt. Trong quá trình nghiên cứu làng Công giáo, PGS-TS Nguyễn Hồng Dương (hiện là Viện trưởng Viện tôn giáo) đã gọi một số ngày lễ lớn của làng Công giáo là lễ hội với tính chất, quy mô tổ chức và diễn ra theo những thời gian định kỳ trong năm, ví dụ như lễ Quan thầy giáo họ, giáo xứ; lễ chầu lượt; lễ Santi (lễ rước Thánh Thể); lễ Giáng sinh; lễ Phục sinh, lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời... Bởi vì ngoài phần lễ còn có phần hội như rước kiệu hoa, kiệu bát cống, múa trống cà rùng, múa hát dâng hoa và diễn kịch theo các điển tích của đạo Công giáo. Những dịp như vậy không chỉ bà con theo đạo mà các giáo họ, giáo xứ còn đón tiếp nhiều đại biểu các cấp, các ngành và nhân dân các nơi, các tôn giáo bạn tới chung vui, tham quan, chia sẻ, thắt chặt thêm mối tình đoàn kết cộng đồng rất đáng được hoan nghênh./.

                                                                                                       N.C.H
         


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét